Hiện nay, khi nền kinh tế của nước ta ngày càng phát triển, nhà nước ta đã đưa ra rất nhiều chính sách để giúp đỡ những người đang trong quá trình khởi nghiệp. Cụm từ “khởi nghiệp” chắc hẳn đã xuất hiện rất nhiều trên các kênh truyền thông đại chúng, là chủ đề bàn tán, tranh luận rất nhiều ở khắp mọi nơi. Nhưng đã mấy ai thật sự hiểu rõ về nó. Vậy khởi nghiệp là gì? Có phải ai khởi nghiệp cũng thành công hay không?
Khởi nghiệp là gì?
Khởi nghiệp nếu giải thích theo nghĩa đen đó chính là bắt đầu xây dựng sự nghiệp của bạn. Sự nghiệp là gì? Sự nghiệp là cái thuộc về bạn, là của bạn, làm giàu cho bạn. Người ta thường chọn bắt đầu khởi nghiệp bằng việc kinh doanh một cửa hàng, một ý tưởng mới mẻ nào đó. Và bạn sẽ làm chủ, bạn bỏ tiền vốn, bỏ tiền thuê nhân công và thu lại lợi nhuận. Thường thì từ “khởi nghiệp” dùng cho những người mới lần đầu làm kinh doanh và hiện thực hoá ý tưởng của mình. Cần phân biệt giữa “khởi nghiệp” và “start-up”. Trong khi “khởi nghiệp” là một khái niệm như đã nêu trên thì “start-up” là một loại hình, một cách thức chỉ việc “khởi nghiệp” trong điều kiện không chắc chắn.
Ngày nay, khởi nghiệp mang ý nghĩa cực kì quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Bạn đang khởi nghiệp chính là bạn đang tạo cơ hội việc làm cho người khác. Nếu càng nhiều người đi khởi nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia sẽ được cắt giảm ở mức thấp nhất. Hơn nữa nếu càng nhiều người khởi nghiệp thành công, sẽ góp phần vào việc tăng trưởng GDP cho quốc gia.
Những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp
Thất bại
Đây là khó khăn đầu tiên mà bất cứ một người đi làm khởi nghiệp, kinh doanh nào cũng phải đối mặt. Thật vậy, người ta thường biết đến Donald Trump qua khối tài sản kết xù hay chức vị tổng thống hiện tại ông ấy đang nắm giữ, nhưng ít ai biết rằng, để đứng lên được vị trí như ngày hôm nay, ông từng 4 lần mất tất cả, 4 lần ấy trị giá tài sản đều là con số âm. Thomas Edison để thành công với phát minh bóng đèn dây tóc thắp sáng cả nhân loại phải thất bại 14.000 lần. Vì thế, muốn thành công, bạn phải làm quen với hai từ “thất bại”.
Người khởi nghiệp thường thất bại vì nhiều nguyên nhân như: ý tưởng chưa đủ thuyết phục, chưa có kế hoạch rõ ràng, không tìm được đối tác, sản phẩm bị tồn đọng, không có nhiều mối quan hệ và sự giúp đỡ,… Tuy nhiên, dù là vì nguyên nhân gì, thì thất bại chưa hẳn đã kết thúc.
Đánh đổi
Một khi đã chấp nhận đi làm “khởi nghiệp”, bạn giống như đang trong một canh bạc. Có rất nhiều người đã đánh đổi tất cả mọi thứ như đất đai, nhà cửa, chấp nhận vay vốn nhiều nơi, nợ chồng chất để đi kinh doanh khởi nghiệp. Nếu thành công, thì sẽ chẳng vấn đề gì. Nhưng nếu một khi thất bại, bạn phải chấp nhận mất rất nhiều thứ mà mình đang có. Đã có rất nhiều người lạc quan và biết vươn lên, họ hiểu rằng mình vẫn chưa mất tất cả và không gì đánh gục được họ. Nhưng nếu bạn chỉ đang “khởi nghiệp” theo phong trào, hãy thử tưởng tượng đến một ngày, bạn mất hết tất cả. Nếu bạn vẫn không hề sợ hãi, đến lúc đó, hãy quyết định là mình có muốn tiếp tục được hay không.
Bị từ chối
Harland Sanders – người sáng lập chuỗi cửa hàng KFC đã từng bị từ chối 1009 lần mới tìm được người đồng ý mua công thức rán gà. Hay Jack Ma đã bị tất cả công việc từ chối dù đó chỉ là một công việc phục vụ ở cửa hàng KFC nhỏ bé. Sẽ có nhiều người từ chối với dự án của bạn, sẽ có những lúc không ai muốn hợp tác với bạn. Bạn đã sẵn sàng đối mặt với những cái lắc đầu đó hay chưa?
Cạnh tranh gay gắt
Càng ngày, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mọc lên như nấm. Thương trường là chiến trường, cá lớn nuốt cá bé là chuyện thường ngày và đó giống như một quy luật. Thậm chí, có nhiều công ty muốn đạp đổ đối thủ, đã dùng những thủ đoạn bẩn thỉu bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng. Trong kinh doanh, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Có rất nhiều doanh nghiệp vấp phải sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ mạnh đã phải phá sản và đóng cửa do thua lỗ nặng nề.
Cô đơn
Không một ông bố, bà mẹ, hay một người bạn nào mong muốn bạn từ bỏ những điều “ổn định” để đi tìm kiếm một sự thành công không chắc chắn. Chính vì thế, đến với “khởi nghiệp”, bạn sẽ đến với sự cô đơn. Đặng Lê Nguyên Vũ để có được Trung Nguyên Legend lớn mạnh như ngày hôm nay, ông đã từ bỏ việc học tại Đại học Tây Nguyên trước sự phản đối của nhiều người. Ông chỉ với hai bàn tay trắng cùng ước mơ vĩ đại là mang thương hiệu cà phê Việt ra ngoài thế giới đã lên đường đi “khởi nghiệp”. Và người thành công nào cũng cô đơn. Bạn đã sẵn sàng với sự cô đơn chưa? Bạn chấp nhận quay lưng với cả thế giới để nắm lấy ước mơ chưa? Nếu chưa, đừng đi khởi nghiệp.
Làm sao để khởi nghiệp thành công
Ý tưởng mới mẻ, táo bạo
Bạn có thể kiếm tiền bằng một cái túi rỗng nhưng không thể kiếm tiền bằng một cái đầu rỗng. Để khởi nghiệp thành công, đầu tiên, hãy tìm kiếm một ý tưởng thật khác biệt và táo bạo, hoặc thực hiện lại ý tưởng cũ một cách rất riêng của bạn. Như vậy, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn. Jack Ma từng đáp trả hài hước khi mọi người bảo ông ấy điên rồ: “Điên rồ cũng tốt, chúng ta điên rồ nhưng chúng ta không ngu.” Vì thế, đừng ngần ngại khi một ngày ý tưởng của bạn bị chê cười vì quá khác biệt. Đừng lo lắng, đừng sợ hãi, hãy thực hiện nó, vì chẳng có ai cạnh tranh với bạn cả.
Tìm kiếm đối tác
Có ý tưởng rồi, bạn bắt tay làm ngay được không? Câu trả lời là hoàn toàn không? Có nhiều thứ bạn không nên làm một mình. Ken Blanchard từng nói: “Không ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta.” Hãy tìm kiếm những người cùng chung lý tưởng để đồng hành và hợp tác. Trong kinh doanh, không ai thành công mà chỉ có một mình cả. Điều quan trọng là bạn có ý tưởng tốt và tìm được một nhóm người cùng chung tầm nhìn đó với bạn. Phải chắc chắn đó là những người hiểu được mục đích chung là thế nào, bạn và họ có thể tranh luận, cãi nhau nhưng phải luôn hiểu đối phương cần gì, mục đích chung của cả hai như thế nào. Tìm kiếm đối tác, đừng cố gắng tìm những người hoàn hảo nhất, giỏi nhất, mà hãy tìm những người phù hợp nhất. Sẽ có những người đến, cũng sẽ có người đi. Họ đến họ là đối tác, họ đi họ là bạn bè, là người mở rộng thêm mối quan hệ của bạn. Hãy tạo dựng nhiều mối quan hệ trong quá trình kinh doanh khởi nghiệp. Những mối quan hệ đôi lúc sẽ giúp bạn rất nhiều về vấn đề tài chính, tăng lượng khách hàng tiềm năng hoặc cho bạn những đặc quyền nào đó.
Xây dựng kế hoạch chu toàn
Tổng thống thứ 16 của Mỹ Abraham Lincoln đã từng nói một câu rất hay: “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt cây, tôi sẽ dùng 4 giờ để mài rìu”. Thật vậy, chuẩn bị luôn là một quá trình quan trọng. Một khi đã xác định được mục tiêu và tìm được người đồng hành, việc bạn cần làm chính là xây dựng một kế hoạch thật chu toàn. Lưu ý, trong quá trình khởi nghiệp, kế hoạch sẽ giúp bạn biết được mục đích của việc mình đang làm, và kiểm soát mọi hoạt động của bạn đảm bảo xoay quanh mục đích đó. Nhưng đừng để bản thân quá bị bó hẹp trong kế hoạch khi bạn phát hiện ra một cách làm tốt hơn. Ngoài ra, kế hoạch sẽ giúp bạn quản lý, kiểm soát được vấn đề tài chính rất tốt. Hạn chế được tình trạng thâm hụt vốn, xuất hiện nhiều khoản chi tiêu không đúng mục đích. Người đi làm khởi nghiệp mà không có kế hoạch, giống như ra chiến trường nhưng quên mang vũ khí vậy.
Kiên trì
Tất nhiên, dù bạn có chuẩn bị hoàn hảo đến đâu mà lại thiếu đi sự kiên trì, bền bỉ thì cũng sẽ khó gặt hái được thành công. Hãy đảm bảo bạn luôn có phương án B, C, D,…và luôn còn đủ sức chiến đấu mỗi khi kết quả không theo như ta mong muốn, còn đủ niềm tin vào một sự thành công. Trong kinh doanh, bạn phải hiểu một điều rằng, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trên chặng đua mang tên “khởi nghiệp”, không hề có chỗ cho những kẻ yếu hèn, sợ thất bại. Cũng không quan trọng ai về đích trước, ai về đích sau. Bạn không cần chiến thắng người khác. Điều cần thiết nhất là bạn phải chiến thắng chính mình. Bạn có thể thất bại, bao nhiêu lần cũng được, nhưng sau mỗi lần thất bại ấy, bạn điều kiên trì đứng lên một cách mạnh mẽ nhất, tự tin nhất và tiếp tục bước tiếp chặng đường.
Thay đổi, trau dồi
Muốn thành công trong khởi nghiệp, đừng ngại thay đổi. Thay đổi thói quen, thay đổi suy nghĩ, thay đổi mọi thứ, miễn sự thay đổi đó mang lại kết quả tốt cho bạn. Có rất nhiều người cố chấp với một cách làm đã thất bại nhiều lần, đó là đang kiên trì làm sai. Thay đổi tư duy, cách làm cũ sẽ giúp bạn làm chủ được cục diện. Đừng ngần ngại thay đổi khi ai đó đưa ra khuyết điểm trong kế hoạch hay chính con người của bạn. Mọi thứ trên đời đều vận hành và thay đổi theo thời gian, nếu bạn vẫn cố chấp với lối tư duy cũ kỹ, cách làm tầm thường, bạn sẽ lạc hậu, kết quả bạn nhận được cũng sẽ tầm thường. Vì vậy, hãy thay đổi, bạn sẽ làm chủ được vận mệnh của mình.
Niềm tin vững vàng
Một điều không thể thiếu trong quá trình đi làm khởi nghiệp đó là “niềm tin”. Sẽ có những lúc tất cả mọi thứ quay lưng với bạn, cái còn sót lại trong bạn chỉ có niềm tin. Đôi khi niềm tin sẽ thay đổi tất cả. Nếu ngay cả bản thân bạn không tin chính mình thì sẽ chẳng một ai tin vào kế hoạch của bạn. Cũng chẳng một ai muốn hợp tác với bạn.
Tổng kết
Trên đây là các chia sẻ của chúng tôi gửi đến các bạn về vấn đề khởi nghiệp. Hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn toàn diện nhất. Chúc các bạn thành công.
<<<Xem thêm 7 cách làm giàu hiệu quả >>>