Thương trường là chiến trường, làm sao để kinh doanh nhà hàng thành công, đây là câu hỏi mà nhiều người chủ nhà hàng quan tâm bởi đó không hề là việc dễ dàng. Một đầu bếp năm sao có danh tiếng chưa chắc đã mở được nhà hàng, vì nhà hàng không chỉ riêng việc đứng bếp, mà còn bao gồm vô số các công việc khác nhau như quản lý bar, bếp, marketing, sales, kho nguyên liệu… Tất tần tật nhiều nhiệm vụ khác nhau nhằm mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất, nhằm kinh doanh thành công. Dưới đây là những bí quyết mà chúng tôi xin chia sẻ đến các bạn đang kinh doanh nhà hàng
Chú trọng yếu tố con người
Hầu hết các chủ nhà hàng đều đặt ra các mục tiêu doanh thu, khách hàng để thúc đẩy kinh doanh hiệu quả hơn… nhưng lại quên mất yếu tố con người, hay còn gọi là nhân viên, nhân tố cốt lõi để giúp bạn đạt được mục tiêu. Theo nghiên cứu, sự thành công của một doanh nghiệp thì con người quyết định 90%, còn chiến lược chỉ chiếm 10%, bởi vì người trực tiếp phục vụ khách hàng cũng là nhân viên, người đem lại những món ăn hấp dẫn cũng là nhân viên, người thực hiện các chiến lược kinh doanh cũng là nhân viên nhà hàng. Do đó, hãy cẩn thận trong việc tuyển dụng nhân viên có năng lực và phù hợp triết lý kinh doanh, đồng thời có thái độ và tinh thần làm việc tốt. Sau khi đã tuyển dụng được nhân sự ưng ý, bạn hãy chú trọng trong khâu đào tạo nhân viên, không chỉ về công việc chuyên môn mà còn cả văn hóa nhà hàng, sự chuyên nghiệp trong phục vụ khách hàng ở tất cả các vị trí như nhân viên giữ xe, nhân viên chạy bàn, nhân viên gọi order, nhân viên trực tiếp đứng bếp hoặc phụ bếp, lau dọn vệ sinh. Hãy nhớ rằng mỗi nhân viên không chỉ là những người làm công đơn thuần, họ có đóng góp đáng kể vào sự thành công của nhà hàng.
Xây dựng chuỗi thực đơn hoàn hảo
Kinh doanh nhà hàng, điều chắc chắn là bạn phải chăm chút vào món ăn của mình rồi, bởi nó chính là nền tảng để thu hút thực khách, khiến họ quay lại, giới thiệu bạn bè và tạo nên sự khác biệt cho nhà hàng của bạn. Tuy nhiên, việc đầu tư cho những món ăn không chỉ đơn thuần bạn có bí kíp nấu ăn độc đáo, bạn mời những đầu bếp giỏi, bạn trang trí món ăn thật cầu kỳ. Bạn nên lựa chọn hẳn hoi chủ đề và khái niệm ẩm thực, đối tượng khách hàng mục tiêu mà bạn muốn nhắm đến, khả năng chi trả cho một bữa ăn của họ cho dù đó là bữa ăn trưa bình thường hay là món ăn cao cấp. Sau đó bạn sẽ thiết kế một thực đơn với đầy đủ các món ăn, đồ uống mà bạn muốn hấp dẫn đối tượng mục tiêu của mình. Hãy đảm bảo rằng thực đơn của nhà hàng mình luôn ở một trạng thái cân bằng nhất định, không có quá ít món để đánh mất sự đa dạng trong đồ ăn của quán, các món ăn vừa có liên quan đến nhau nhưng cũng giữ nguyên những sự khác biệt nhất định. Ví dụ bạn kinh doanh các món ăn Hà Nội, thì việc ăn vặt có thể thêm các món nem chua rán, chè, bánh gối… nhưng khi món chính nhất định phải có chả cá lã vọng, bún ngan, bún riêu cua… Cũng hạn chế việc nhồi nhét thật nhiều món ăn vào trong thực đơn, khiến khách hàng bối rối và có xu hướng chọn những món đã từng ăn, đồng thời việc chuẩn bị món ăn của đầu bếp cũng vất vả hơn.
Trang trí nhà hàng
Kinh doanh nhà hàng không chỉ chú trọng yếu tố “vị” mà còn phải đầu tư cả yếu tố “mỹ”, “mỹ” không chỉ nằm trên món ăn mà còn ở không gian nhà hàng. Sự hài hoà về mặt tổng quan khi nhìn vào từ bên ngoài và cảm giác thoải mái khi bước vào bên trong đã là một điểm cộng lớn dù khách hàng có thể chưa dùng món ăn. Chắc chắn bạn không thể nào đánh giá cao một nhà hàng món Nhật nhưng lại thiếu đi các yếu tố như kimono, rượu sake, đèn lồng mà lại toàn các món đồ bày trí về cao bồi. Đặc biệt với các nhà hàng chuyên phục vụ các đối tượng cao cấp, nhóm đông khách, gia đình hoặc chuyên tổ chức các buổi tiệc (tiệc tất niên, sinh nhật, tiệc họp mặt khách hàng…) thì lại càng cần chú trọng vào việc bày trí, décor sao cho thật thoải mái và ấn tượng. Phải đảm bảo trong nhà hàng có sự phân chia từng khu vực chức năng một cách khoa học và hợp lý. Nội thất cần được lựa chọn đúng chủ đề, bố trí hợp phong thủy. Tạo không gian mở cũng là một ý kiến hay để thực khách có thể vừa thưởng thức món ăn vừa có thể ngắm nhìn thế giới bên ngoài.
Chú trọng khâu chăm sóc khách hàng
Với lĩnh vực dịch vụ, mọi thành công hay thất bại đều phụ thuộc rất lớn vào khách hàng. “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, mọi công việc bạn đang thực hiện như trang trí nhà hàng sao cho đẹp mắt, đào tạo nhân viên, tạo ra các chương trình chăm sóc hay tri ân khách hàng… đều mục đích là mang lại trải nghiệm tốt nhất cho họ. Tuy nhiên, mọi việc làm ấy chỉ là hỗ trợ, và sẽ “đổ song đổ bể” nếu bạn không biết cách chăm sóc khách hàng khi khách đến và tiếp thu ý kiến của họ. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mất hết kiên nhẫn khi phải phục vụ với quá nhiều khách hàng khác nhau, từ những người lịch sự, có đến những người có phần thô lỗ; từ một cụ già cho đến đứa trẻ nghịch ngợm hay khóc la ồn ào… Lúc này sự chuyên nghiệp của bạn sẽ thể hiện ở việc bạn sắp xếp mọi tình huống thật ổn thỏa, để chính khách hàng đó lẫn những người xung quanh hài lòng. Đặc biệt, đừng xem nhẹ những ý kiến phản hồi của khách hàng (về phục vụ, gọi món, tính tiền, chất lượng món ăn…) bởi đó là những yếu tố để nhà hàng của bạn ngày càng hoàn thiện, và khách hàng đánh giá cao tinh thần tiếp thu ý kiến của bạn.
Quảng bá nhà hàng rộng rãi
Trong thời đại cạnh tranh gay gắt hiện nay khi “hữu xạ tự nhiên hương” đã không còn tác dụng, truyền thông trở thành một công cụ không thể thiếu được trong mọi lĩnh vực nhất là đối với kinh doanh nhà hàng. Bất cứ nhà hàng nào muốn tìm kiếm khách hàng tiềm năng, quảng bá thương hiệu đều phải chi tiền vào các chiến lược truyền thông. Để tiếp cận đối tượng tiềm năng, chúng ta có nhiều kênh khác nhau như quảng cáo trên báo chí, quảng cáo trên sóng truyền hình, xây dựng website nhà hàng, các mạng xã hội… Tuy nhiên dù có thực hiện theo cách thức nào, chọn kênh quảng bá nào thì điều bạn cần làm chính là có một chiến lược Marketing hoàn chỉnh cho cả ngắn hạn và dài hạn. Những chiến lược ngắn hạn có thể áp dụng các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, tri ân khách hàng… còn những chiến dịch dài hạn phù hợp với việc xây dựng câu chuyện về thương hiệu, các hoạt động PR với đơn vị báo chí, phát triển món ăn mới… Từ đó, bạn mới có thể phân bổ ngân sách phù hợp và cân đối tài chính tốt hơn.
Áp dụng công nghệ vào kinh doanh
Điều cuối cùng để đưa việc kinh doanh nhà hàng của bạn lên tầm cao mới đó chính là kết hợp công nghệ như đặt bàn trực tuyến, thanh toán trực tuyến, phần mềm PMS, hệ thống an ninh giám sát…. Việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh hiện nay đã không còn xa lạ, bởi nó đang được nhiều đơn vị nhà hàng lớn áp dụng. Với công nghệ, người chủ nhà hàng sẽ tiết kiệm tối đa thời gian, nhân lực, chi phí, những phát sinh tốn kém cũng như tăng cường hiệu quả khi kinh doanh. Chẳng hạn khi số lượng khách đến nhà hàng quá đông, phần mềm gọi món trực tuyến tại bàn sẽ là phương án lý tưởng để giảm áp lực công việc lên nhân viên phục vụ, giúp bộ phận bếp nhận thông tin và chế biến món ăn nhanh chóng hơn, giúp bộ phận thu ngân có dữ liệu thông tin mà thực hiện quy trình thanh toán mượt mà hơn. Việc hạn chế áp dụng công nghệ vào kinh doanh tức là bạn đang tự giảm khả năng cạnh tranh của nhà hàng trước các đối thủ trên thị trường đang chạy theo nền công nghệ số hiện nay.
Kinh doanh nhà hàng là việc không hề dễ dàng, nhưng cũng không hề khó khăn nếu bạn hiểu và nắm rõ các bí quyết kể trên. Chúc bạn thành công!